Bạn nghĩ gì về thực phẩm bạn đang sử dụng? Hãy cùng đến với quan
điểm của Ngô Nguyệt Hữu để nhìn nhận rõ hơn về chúng nhé!
“Chị gái gửi lên cho
tôi vài trái sầu riêng, dặn kèm: "Sầu riêng này chín cây rụng thiệt, không
ngâm hoá chất". Tôi nào đâu có vặn vẹo gì, mà chị như sợ tôi hoài nghi, cứ
tự dặn vậy.
Tôi sinh ra ở huyện
Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ngày bé phụ ba mẹ làm vườn, nhìn cuống sầu riêng là
biết trái nào sắp rụng trái nào chưa, nghe mùi là biết ngọt nhạt ra sao. Thậm
chí, nhìn vỏ cũng biết múi sầu riêng có đạt chuẩn hay không.
Chẳng biết từ bao giờ
nẩy sinh ra thông tin, sầu riêng non ngâm hoá chất nên mau chín, thơm ngào
ngạt. Hoá chất gì? Không biết, chỉ chắc chắn là của Trung Quốc thôi. Mà với sự
mặc định hiện tại thì nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới bệnh ung thư.
Sầu riêng có ngâm hoá
chất không? Tôi không biết, tôi chưa từng được tận mắt chứng kiến mà chỉ được
nghe những tin đồn. Những tin đồn lâu ngày thành sự thật. Người quê kháo nhau,
vườn sầu riêng kia bán cả vườn, 25 nghìn/kg. Tư thương mua xong cắt trụi sầu
riêng, trái nào gần chín tự nhiên thì chuyển vào siêu thị, trái nào chưa già
thì ngâm vào hoá chất bán cho các đại lý trái cây nhỏ.
Trái sầu riêng hiện
tại lâm vào tình cảnh bị mặc định ngâm hoá chất, kiểu như chuối ngâm thuốc hay
chanh ngâm nước rửa chén cho bóng vỏ, thốt nốt ngâm thuốc tẩy. Nó như là con
heo mặc định được nuôi bằng chất tạo nạc, miếng thịt bò ngâm hoá chất, còn nội
tạng luôn mốc xanh từ bên kia biên giới tràn về. Nó cũng như là gà được tiêm
thêm nước, tôm bị bơm thêm dung dịch nhằm tăng trọng lượng.
Chúng ta đang có tất
cả các mặt hàng thực phẩm nằm trong dạng nghi ngờ là tác nhân chính gây ung
thư. Và đương nhiên, những người sản xuất trực tiếp ra những thứ ấy - nông dân
- là đối tượng chính chịu công kích.
Nông dân bị nghi ngờ
thì cũng chiều theo ý người tiêu dùng. Khi con ruốc Phú Yên bị phát hiện ngâm
hoá chất tạo màu đỏ, tôi ra chợ hỏi cô tiểu thương chuyện này có hay không? Cô
trả lời: "Có chứ, ruốc nhạt màu họ không mua". Cứ nhắc đến câu chuyện
thực phẩm, là tôi nhớ đến lời dặn ân cần ấy của chị tôi ở quê. Chị sợ tôi… sợ.
Trên thị trường nông
sản bây giờ, người nông dân cũng sợ, họ sợ người thành phố sợ thực phẩm của
mình. Thế nên, bó rau với vài con sâu chết, trái cây còn vương đất, thịt lợn
nguyên con trở thành một thứ bảo chứng cho người tiêu dùng. Và cứ vậy, nếu ai
đó phát hiện có thêm mặt hàng thực phẩm nào đang trộn với loại hoá chất
"có khả năng gây ung thư" thì người nông dân lại trở thành cái bia để
người tiêu dùng trút giận. Sau lúc trút giận thì họ lại hoang mang. Thế nên khi
có thông tin khẳng định người nông dân dùng chổi quét rau cho nó giống bị sâu
ăn, người ta cũng tin luôn. Dù thông tin ấy sau này được phát hiện là sai sự
thật.
Rất khó mà nói rằng
bây giờ nông dân và người tiêu dùng, ai đang run rẩy sợ hãi hơn ai. Xuyên suốt
trong nỗi sợ đôi bên này, rất khó bắt gặp bóng dáng nhà quản lý. Mặc cho họ
được quy định phải giám sát, khuyến khích tạo ra thực phẩm sạch bằng cây roi đã
được Chính phủ giao tận tay. Điều đáng ngạc nhiên nhất là chính họ cũng đang mê
mải kêu gọi chống thực phẩm bẩn, hệt họ đang là nạn nhân vậy.
Một vị lãnh đạo ngành
mới đây lên báo tuyên bố: “Trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm là của người
sản xuất chứ không phải của Nhà nước”. Trong khi đó, chính Bộ trưởng Cao Đức
Phát mới đây đã thừa nhận: “Người dân khó có thể phân biệt được đâu là thực
phẩm thật sự an toàn hay vi phạm. Để giúp người dân phân biệt thì đó là trách
nhiệm của chúng tôi và các cơ quan quản lý nhà nước”.
Tôi nghĩ chính những
người nông dân chân lấm tay bùn quê tôi bây giờ cũng đang vô cùng mong chờ cái
sự “giúp người dân phân biệt” đó. Bởi vì không ai giúp thì người tiêu dùng chỉ
còn biết trông vào những hoang tin, một mất mười ngờ và mũi dùi cứ hướng về…
người nông dân, cho dù “nông dân” là hàng chục triệu con người chứ không phải
là một vài cá thể bất lương cụ thể nào đó.”
Trích Ngô
Nguyệt Hữu
Nguồn:#vnexpess
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét